Thứ sáu, 19/04/2024 - 22:01|
ĐOÀN KẾT, KỶ CƯƠNG, ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, HOÀN THÀNH TỐT CÁC NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU ĐỔI MỚI-NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Bạn chưa chọn snippet

Giáo dục đào tạo Thành phố Đồng Hới - 50 năm thực hiện di chúc của Người

     Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy ngẫm về những lời căn dặn của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, càng thêm yêu nghề dạy học.

     

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục – đào tạo; bởi giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao dân đức và mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước phát triển, phồn vinh. Mỗi dịp vào năm học mới, Bác lại gửi thư cho ngành giáo dục – đào tạo hoặc đến thăm và nói chuyện với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên ở các trường học. Bác đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Ngày 15-10-1968, Bác viết “Thư gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968-1969”. Đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho ngành GD-ĐT, là “Di chúc” của Bác dành riêng cho các nhà giáo, học sinh-sinh viên cả nước, với “muôn vàn tình thân yêu”, thể hiện niềm tin tưởng và hi vọng sâu sắc của Người vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo đối với sự hưng thịnh của đất nước. 50 năm đã trôi qua, mỗi lần đọc lại bức thư quý báu này, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi giáo viên, mỗi học sinh – sinh viên càng xúc động và thấm thía về những lời Bác dạy, càng nỗ lực nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt và Học tốt”, phấn đấu rèn đức, luyện tài, thiết thực đưa nước nhà “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” - như ước nguyện của Bác Hồ từ ngày thành lập nước.

     Trong thư, Bác nhắc các thầy cô giáo, học sinh - sinh viên ba nhiệm vụ: “Thứ nhất: Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng. Thứ hai:  Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Thứ ba: Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn”.

     Bác nhận định: Ba nhiệm vụ trên đây của các cô giáo, thầy giáo và HS-SV là “rất quan trọng và rất vẻ vang”. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ấy, Bác căn dặn là phải đoàn kết chặt chẽ và phát huy dân chủ trong nhà trường: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ XHCN, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”. Bác rất coi trọng vấn đề đoàn kết và tinh thần dân chủ. Hai điều ấy là động lực mạnh mẽ để cách mạng thành công. Hơn nửa năm sau khi viết bức thư này, trong bản “Di chúc” gửi cho toàn Đảng, toàn dân, Bác lại nhấn mạnh đến đoàn kết và thực hành dân chủ. Bác nêu rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

     Trong suốt 50 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta, nhân dân ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Giáo dục thành phố Đồng Hới luôn chú trọng và vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng với tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt”, đã trở thành mục tiêu phấn đấu, để ngành Giáo dục Đồng Hới vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả rất đáng tự hào trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

     Thành tựu nổi bật của ngành GDĐT Đồng Hới trong 50 năm qua và nhất là từ ngày 01-7-1989, Quảng Bình chính thức trở về với địa giới hành chính cũ theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, Thành phố Đồng Hới trở lại vai trò là trung tâm tỉnh lỵ.

     Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố Đồng Hới không ngừng phát triển: Cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác giáo dục. Mạng lưới trường lớp từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương và phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cao, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.

     Năm 1990, thị xã Đồng Hới được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập cấp 1 và xóa mù chữ. Từ năm 1990-1991 tiến hành tách trường PTCS thành hai hệ thống trường TH và THCS. Toàn ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chung, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, thực hiện chủ trương giảm biên chế theo quy định chung của nhà nước. Duy trì số lượng học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các ngành học phổ thông, mầm non, bổ túc văn hóa. Tập trung công tác phổ cập cấp 1 và xóa mù chữ. Xây dựng cơ sở vật chất, tham gia các hoạt động xã hội, cải tiến công tác quản lý, xã hội hóa giáo dục. Trường Tiểu học Đồng Phú là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục công nghệ, áp dụng dạy học 2 buổi/ ngày, có tổ chức bán trú.

     Từ năm học 1991-1992, thị xã Đồng Hới có 13 đơn vị hành chính phường xã với 46 trường học. Ngành Giáo dục thị xã bước vào giai đoạn mới với vị trí mới và trách nhiệm nặng nề hơn.

     Tháng 6 năm 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII xác định: "Mục tiêu giáo dục và đào tạo là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có trình độ tri thức và tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần".

     Thực hiện nghiêm túc các định hướng của Đảng, Ngành Giáo dục Đồng Hới đã có những chuyển biến ở tất cả các ngành học. Đầu năm học 1995-1996, Đồng Hới có 19 trường Tiểu học với 314 lớp, 10.997 học sinh; 10 trường THCS với 73 lớp, 7368 học sinh. Đồng thời, thời kỳ này xây dựng TTNDTKT Đức Ninh với 5 lớp, 45 cháu; có 120 lớp phổ cập cấp 1, lớp học tình thương, lớp học linh hoạt với 200 học sinh.

     Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, chính quyền địa phương, sự quan tâm của Sở GD&ĐT Quảng Bình, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, giáo dục Đồng Hới từng bước khẳng định vị thế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từng năm học, từng nhiệm kỳ.

     Năm 2011, thực hiện chuyển đổi 16/16 trường Mầm non bán công sang công lập, tạo điều kiện cơ bản quan trọng để các trường mầm non thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

     Năm 2013, Thành phố được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non đối với trẻ 5 tuổi. Đến nay, chất lượng phổ cập Mầm non, Tiểu học, THCS luôn duy trì vững chắc. Tỉ lệ huy động cháu trong độ tuổi nhà trẻ luôn đạt từ 30% đến 35%; cháu mẫu giáo ra lớp đạt từ 96% đến 99%; cháu 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 đạt từ 99% đến 100%; học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT các loai hình trường lớp đạt 90% đến 95%. Năm 2018, thành phố đạt chuẩn vững chắc PCGDMNT5T, PCGDTH mức độ 3, PCGDTHCS mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 2, cao nhất tỉnh.

     Hệ thống trường lớp phát triển, ổn định, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các xã, phường. Tháng 10/2019, toàn thành phố có 63 đơn vị trường học thuộc Phòng GD&ĐT quản lý (Gồm 25 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 01 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, 15 trường trung học cơ sở, 02 trường TH&THCS); 16 Trung tâm học tập cộng đồng, 05 trường Trung học phổ thông, 01 trung tâm Giáo dục - Dạy nghề.

     Chất lượng giáo dục toàn diện luôn được duy trì, giữ vững đảm bảo thực chất, vững chắc, đồng đều ở các cấp học, bậc học và luôn trong tốp dẫn đầu của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình. Hàng năm có khoảng 99% đến 100% học sinh tốt nghiệp THCS trong đó có 90% đến 95% học lên THPT, lực lượng còn lại đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

     Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 10/11/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; Chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; học đi đôi với hành; Tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh và quốc gia với những kết quả xuất sắc.

     Mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29 như: Triển khai hiệu quả phương pháp “Bàn tay nặn bột”, tổ chức dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch; Dạy học ngoài không gian lớp học, dạy học gắn liền với thực tế của địa phương, dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm thực tế....

     Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phát huy cổng thông tin điện tử trong chỉ đạo điều hành và tuyên truyền vận động.

     Toàn ngành đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, tận tụy, sáng tạo, cùng với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo và người lao động trong ngành xác định rõ quyền, nghĩa vụ của bản thân, luôn có trách nhiệm với cơ quan đơn vị, trách nhiệm với học sinh, tích cực tự giác phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mối quan hệ đồng nghiệp giữa các thầy cô giáo, sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm trong công tác đã góp phần làm tăng tình đoàn kết, thân ái trong đội ngũ “Thương người như thể thương thân”. Thực hiện tốt công tác an toàn trường học, tình hình trật tự trường học được giữ vững. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, truyền thống cách mạng, lòng nhân ái cho học sinh, thông qua các hoạt động, các giờ dạy nội, ngoại khoá. Các trường đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, nhiều hoạt động tập thể, tạo sân chơi bổ ích để rèn luyện cho học sinh những hành vi thái độ, tình cảm, đạo đức chuẩn mực, giáo dục các em trái tim nhân ái, tấm lòng bao dung rộng mở, tình bạn, tình thầy trò đúng mực, trong sáng. Những việc làm đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhân cách, đạo đức học sinh.

     Thực hiện lời căn dặn của Người, ngành đã quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là khâu then chốt nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Hàng năm trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển lớp, học sinh, Phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND thành phố cân đối đội ngũ về số lượng, trình độ, cơ cấu bộ môn để xây dựng kế hoạch cụ thể, tham mưu với UBND thành phố tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển, từng bước đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đảm bảo theo quy định. Đội ngũ thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy. Đến nay, 100% giáo viên chuẩn hóa trình độ đào tạo; trong đó, có 17 thạc sỹ (năm 2013 trở về trước đội ngũ nhà giáo và CBQL chưa có trình độ thạc sỹ). Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo được giữ vững, hàng năm ở các bậc học, cấp học tỉ lệ đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống được tập thể đánh giá xếp loại tốt, khá đạt 100%.

     Trình độ đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục được nâng cao, 100% đạt trình độ chuẩn quy định. Giai đoạn từ 2013-2018, có 17 nhà giáo và CBQL tốt nghiệp trình độ thạc sỹ, 273 nhà giáo và CBQL tốt nghiệp trình độ đại học. Giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt tỷ lệ cao, cụ thể: Mầm non đạt 89,3% (tăng 76,5% so với năm 1995), tiểu học đạt 99,8% (tăng 85,3% so với năm 1995); THCS đạt 95,3% (tăng 57,8% so với năm 1995).

     Công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Thành phố và các xã phường đã đầu tư hơn 250 tỷ để xây dựng phòng học, phòng bộ môn, nhà đa chức năng, nhà hiệu bộ; hơn 98% phòng học được kiên cố hóa.

     Công tác xã hội hóa giáo dục đã được triển khai sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và toàn dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở trường học, các xã, phường, cơ quan, đơn vị, dòng họ trong thành phố ngày càng được phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất trang thiết bị trường học được tăng cường, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh sạch đẹp an toàn ngày càng cao. Tính đến thời điểm tháng 12/2018, toàn thành phố đã có 100% trường xanh sạch đẹp an toàn; 50 trường đạt chuẩn Quốc gia. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, trong những năm qua ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đồng Hới đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi được nâng lên theo hướng bền vững. Được sự quan tâm của Đảng chính quyền các cấp, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hớiđã phát triển ở một tầm cao và bền vững trở thành điểm sáng của phong trào Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình

     Cấp học Mầm non đã có nhiều biện pháp chỉ đạo và thực hiện tốt chuyên đề phát triển vận động, tổ chức hoạt động theo hướng tích hợp lấy trẻ làm trung tâm, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường công lập. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, 100% trẻ nuôi ăn bán trú, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.

     Tập trung chỉ đạo các trường tiểu học, THCS nâng cao chất lượng toàn diện, chất lượng học sinh giỏi, chú trọng thi đầu vào THPT. Triển khai từng bước có hiệu quả “Đề án dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục”, xây dựng thư viện lớp học, phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục.

     Các nhà trường tăng cường đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bằng nhiều hình thức: Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh. Tăng cường các hoạt động tập thể bằng nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn nhằm thu hút các em yêu thích đến trường, gắn bó với trường, với lớp. Chú trọng công tác xây dựng môi trường học tập, kết hợp rèn các môn văn hóa, TDTT, văn nghệ và kỹ năng sống cho học sinh.

     Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đại trà, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu, tài năng, học đi đôi với hành,… được toàn ngành chú trọng. Học sinh đạt giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia ngày càng nhiều. Học sinh lớp 9 đỗ vào THPT công lập hàng năm từ 97 đến 98%, nằm trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng thi vào 10 THPT và thi vào chuyên Võ Nguyên Giáp. Nhiều học sinh có tên tuổi trong các cuộc thi quốc tế như: Nguyễn Thế Quỳnh - Huy chương vàng giải Vật Lý thế giới (2016,2017); Trang Nguyễn Tịnh Vũ - Giải Nhì thi “Hùng biện tiếng Anh” cấp Quốc gia (2014),… Trường THCS Đồng Phú vinh dự được nhận Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN của Ban thư ký ASEAN và Nhóm công tác Giáo dục môi trường ASEAN dành tặng cho các trường Tiểu học và Trung học xuất sắc trong thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường tại các nước thành viên ASEAN năm 2019. Nhiều tập thể nhiểu năm liên tục là đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh: MN Đồng Sơn, MN Đồng Mỹ, MN Hoa Hồng, MN Đức Ninh Đông, MN Đồng Phú, TH Nghĩa Ninh, TH số 1 Bảo Ninh, TH Đồng Phú, TH Lộc Ninh, TH Đồng Mỹ, THCS số 1 Nam Lý, THCS Đồng Mỹ, THCS Đồng Phú, THCS số 1 Bắc Lý. Ngành Giáo dục và Đào tạo nhiều năm là đơn vị tiên tiến xuất sắc, đứng trong tốp dẫn đầu tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011. Có 09 thầy giáo, cô giáo đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; thầy giáo Nguyễn Xuân Tiều được Nhà nước phong tặng nhà giáo nhân dân.

     Năm 2007, trường TH Đồng Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

     50 năm thực hiện Di chúc của Người, Giáo dục và Đào tạo thành phố đã bám sát các Nghị quyết của Đảng bộ các cấp, các định hướng, nhiệm vụ, các cuộc vận động của Ngành, được cụ thể hóa thành nhiệm vụ từng năm học, đã tổ chức và phát động phong trào thi đua được cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học hưởng ứng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu một lần nữa nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của các nhà giáo, CBQL và các em học sinh đối với tương lai của đất nước, đồng thời càng bồi đắp thêm nghị lực và quyết tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo./.

Lượt xem: 13.777
Tác giả: Trần Thị Sáu - TUV, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 4
Tháng 04 : 110
Năm 2024 : 1.157